Ý nghĩa của lá Cờ ngũ sắc, Cờ thần
Cờ ngũ sắc, cờ thần được dùng rất phổ biến tại các lễ hội, đình, đền nhưng ít người hiểu được ý nghĩa của lá cờ này. Xưởng may cờ và in cờ sau đây sẽ giới thiệu với mọi người giá trị ít người để ý đến của Cờ ngũ sắc, cờ thần.
Tóm tắt nội dung
1. Về lá cờ Ngũ sắc, cờ thần, cờ lễ hội
Không ai biết cờ ngũ sắc, cờ thần, cờ lễ hội xuất hiện từ lúc nào, nhưng theo các bức tranh cổ, các chuyện dân gian thì thấy cờ ngũ sắc, cờ thần, cờ lễ hội xuất hiện từ thời Hai Bà Trưng (40 – 43). Hàng ngàn năm nay ông cha ta đã sáng tạo ra cờ ngũ sắc để nó có mặt trong tất cả các lễ hội, các đền, đình, chùa, các cơ sở tín ngưỡng nói chung. Sự xuất hiện 5 màu trên tương ứng với 5 màu của ngũ hành là xanh (mộc),đỏ (hoả), vàng (thổ), trắng (kim) và tím(thuỷ).
Như vậy có thể khẳng định là ông cha ta xưa đã căn cứ vào các màu của ngũ hành và quy luật của ngũ hành để sáng tạo ra cờ ngũ sắc, cờ thần, cờ lễ hội.
2. Ý nghĩa lá cờ ngũ sắc, cờ thần, cờ lễ hội
Vậy trước hết ta hãy bàn về ngũ hành. Tổ tiên ta quan niệm, từ thuở mông lung ban đầu, 5 vật chất đầu tiên là mộc, hoả, thổ, kim và thuỷ sản sinh ra thế giới vật chất bao la. Đó làngũ hành . Quy luật của ngũ hành là Luật tương sinh và Luật tương khắc. Tương sinh là mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ và thuỷ sinh mộc. Tương khắc là mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim và kim khắc mộc. Vậy ngũ hành là một vòng tròn khép kín, nhưng cái gì có trước, cái gì có sau? Trong Kinh dịch nói: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng… Tứ tượng có nhiều ý nghĩa, nhưng ở đây tứ tượng ứng với 4 mùa: xuân, hạ, thu và đông. Thời gian 4 mùa trong năm bắt đầu từ mùa xuân.
Ngũ hành phối với ngũ sắc: Mộc màu xanh, hoả màu đỏ, thổ màu vàng, kim màu trắng và thuỷ màu tím (đen).
Ngũ hành phối với 4 mùa: Mộc mùa xuân, hoả mùa hạ, kim mùa thu và thuỷ mùa đông. Còn thổ chia làm 4 nhập với tháng thứ ba của 4 mùa. Như vậy thổ có mặt ở cả 4 mùa, có mặt và là điều kiện tồn tại của 4 hành kia.
Mộc màu xanh phối với mùa xuân. Mùa xuân hạt giống nảy mầm thành cây cối xanh tươi. Vậy mộc là hành bắt đầu của ngũ hành. Như vậy mộc là khởi đầu của vạn vật, vì mộc có trước mới sinh ra hoả, hoả sinh ra thổ, thổ sinh ra kim, kim sinh ra thuỷ. Ngũ hành sinh ra vạn vật. Mộc là gốc của vạn vật. Có người nói lấy đức của hoả làm vua, nên đặt hoả vào trung tâm của lá cờ. Thật là một suy diễn vô lý, không có căn cứ thuyết phục nào để làm như vậy. Khí hoả là tán chứ không phải tụ, hoả không tàng trữ và nuôi dưỡng vạn vật, không là điều kiện để sinh sôi ra vạn vật, làm sao mà ở vị trí trung tâm được.
Vị trí trung tâm của lá cờ là màu gì phải căn cứ vào các thuyết về Kinh dịch, âm dương ngũ hành, địa lý phong thuỷ đã được khẳng định, Vị trí trung tâm của lá cờ ngũ sắc thuộc về hành thổ màu vàng.
Tại sao hành thổ được đặt ở trung tâm? Ta thường nói Tổ quốc là Đất mẹ, là cái nôi của dân tộc. Trong Kinh dịch, khi tính bát trạch thì đặt hai quẻ khôn và cấn thuộc hành thổ ở vị trí trung tâm. Trong sắp xếp ngũ hành theo phương hướng, thì thổ ở trung tâm rồi đến mộc ở phương đông, hoả ở phương nam, kim ở phương tây và thuỷ ở phương bắc.Trong cách tính khẩu quyết của kinh dịch, địa lý phong thuỷ và kim lâu, hễ gặp số 5 (số đại diện cho vua) và số có hàng đơn vị là 5 như: 15,25,35… thì nhập trung cung. Vua cũng lấy màu vàng màu của thổ làm biểu tượng và coi mình là trung tâm của vũ trụ. Như vậy trung tâm của cờ ngũ sắc là phải là thổ màu vàng. Từ trung tâm thổ mới sản sinh và nuôi dưỡng vạn vật. Thổ là nơi tàng trữ vạn vật, vạn vật đều từ đất mà sinh sôi nảy nở và cuối cùng sẽ trở thành cát bụi và sẽ trở về với đất. Trong tam tài thiên địa nhân, địa là trung tâm. Trong tam giới, thiên đàng, hạ giới và âm phủ thì hạ giới (mặt đất) là trung tâm.
Còn các vòng ngoài xếp các màu theo thứ tự nào? Mộc là màu xanh, đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân khởi đầu thời gian của bốn mùa và là khởi đầu vạn vật, nên xếp tiếp theo màu vàng. Mộc sinh hoả là màu đỏ, nên màu đỏ xếp tiếp theo. Hoả sinh thổ ở trung cung, rồi thổ sinh kim là màu trắng xếp tiếp sau màu đỏ, kim sinh thuỷ màu tím nên xếp tiếp theo màu trắng. Ngoài cùng của cờ ngũ sắc là màu đỏ làm diềm cờ, có tua.